Khi nào thì ngày cấp vận đơn và ngày giao hàng trong hợp đồng mua bán hàng hóa là một?
Mọi người ai biết không ạ?
Mình tìm được bài viết này gửi bạn để giải đáp cho câu hỏi này nhé!
Khi thanh toán bằng L/C cho những lô hàng vận chuyển bằng đường biển, bao giờ ngân hàng và các bên liên quan cũng yêu cầu vận đơn phải là vận đơn hoàn hảo (Clean B/L) và đồng thời vận đơn hoàn hảo đó cũng phải là vận đơn hàng đã xếp lên tàu (Shipped on Board B/L).
Trong vận chuyển hàng bằng container, thường hãng tàu chỉ cấp loại vận đơn nhận để xếp lên tàu (Received for Shipment B/L) hay nhận để chở (Received for Carriage or Taken in Charge). Ở những vận đơn này, ngày cấp vận đơn chưa phải là ngày giao hàng theo hợp đồng mua bán vì vào ngày ký vận đơn hàng đang nằm đâu đó trong kho bãi của người vận chuyển (thông thường là đang ở trong CY hoặc ICD), chứ chưa xếp lên tàu, muốn thỏa mãn yêu cầu ngày cấp vận đơn sẽ trở thành ngày giao hàng như quy định trong L/C và hợp đồng mua bán thì sau khi hàng hóa đã thực sự xếp lên tàu người vận chuyển phải đề thêm dòng chữ “Đã xếp lên tàu ngày…tháng… năm…: shipped (or laden) on board date…” và ký đóng dấu vào dòng chữ này, từ đó nó sẽ trở thành vận đơn hàng đã xếp lên tàu và có thể thanh toán được theo quy định trong L/C và hợp đồng mua bán.
Ngược lại, đối với vận đơn cấp theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến (C/P Bill of Lading) thông thường người ta đã in sẵn trên vận đơn câu: “hàng đã được xếp lên tàu trong tình trạng và điều kiện bên ngoài có vẻ tốt: Shipped at the port of loading in apparent good order and condition”.
Bản thân dòng chữ in sẵn này đủ để đáp ứng yêu cầu “shipped on board” quy định trong L/C và ngày cấp vận đơn cũng chính là ngày giao hàng theo hợp đồng mua bán, người vận chuyển hay thuyền trưởng không có nghĩa vụ phải ghi thêm dòng chữ “shipped on board ” cùng ngày tháng xếp hàng lên tàu trên bề mặt vận đơn nữa.
Hai cách thể hiện ngày giao hàng như đã nói trên cũng được nói rõ trong Điều 22-ii của UCP 600 (áp dụng từ 1/7/2007) như sau:
“Một vận đơn đường biển, dù được gọi thế nào, phải chỉ rõ hàng hóa đã được xếp lên một con tàu chỉ định tại cảng giao hàng quy định trong tín dụng, bằng:
-Cụm từ in sẵn, hoặc
-Một ghi chú là hàng đã được xếp lên tàu, có ghi ngày xếp hàng lên tàu.
Ngày phát hành vận đơn sẽ được coi như là ngày giao hàng, trừ khi trên vận đơn có ghi chú hàng đã xếp trên tàu có ghi ngày giao hàng, trong trường hợp này, ngày đã ghi trong ghi chú xếp hàng sẽ được coi là ngày giao hàng. “Trong quy định này của UCP 600, “cụm từ in sẵn” có nghĩa là cụm từ trong vận đơn cấp theo hợp đồng thuê tàu, còn cụm từ “một ghi chú là hàng đã xếp lên tàu” có nghĩa là cụm từ trong vận đơn vận chuyển container. Trong UCP 500 (áp dụng trước ngày 30/6/2007) vấn đề này được quy định tại Điều 23.
Trong thực tiễn, không ít vận đơn cấp theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến trên bề mặt vẫn ghi thêm dòng chữ “shipped on board” cùng với ngày xếp hàng. Cũng có lúc người vận chuyển hoặc thuyền trưởng chỉ ghi mỗi dòng chữ “đã xếp lên tàu” mà tiếp sau dòng chữ này không đề ngày tháng. Đây là một việc làm tự nguyện của người vận chuyển chứ không phải là một nghĩa vụ, nghĩa là có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Điều này cũng đồng nghĩa là một vận đơn cấp theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến nếu không ghi thêm dòng chữ trên vẫn hoàn toàn đáp ứng yêu cầu “shipped on board date…” của UCP trong việc thanh toán bằng phương thức L/C. Khi gặp phải một vận đơn của hợp đồng thuê chở theo chuyến chỉ ghi dòng chữ “shipped on board” mà không đề ngày tháng tiếp theo thì cũng đừng vội bắt lỗi là vận đơn đó không hợp cách, không tuân thủ quy định trong UCP do đó không thanh toán được.
Các doanh nghiệp nhập khẩu theo điều kiện CIF, CFR, CIP, CPT nên thận trọng khi xem xét, đánh giá và bắt lỗi vận đơn cấp theo hợp đồng thuê tàu. Phải luôn luôn nhớ rằng vận đơn cấp theo hợp đồng thuê tàu thường có những đặc điểm như đã nêu trên để không bao giờ mắc phải những lỗi lầm nghiêm trọng.