Những thiệt hại có thể gây ảnh hưởng đến ngành xuất nhập khẩu bởi Corona

Thục Trang

New member
Bài viết
1
Reaction score
0
Có thể nói, Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu lớn bậc nhất của Việt Nam. Chính vì thế, khi Quốc gia này đang phải đối mặt với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (tên chính thức là Covid-19), khiến mọi hoạt động kinh tế bị đình trệ, thì Việt Nam cũng chịu tác động trực tiếp không hề nhỏ. Vậy mức độ ảnh hưởng của Corona tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam như thế nào?

ẢNH HƯỞNG CỦA CORONA TỚI NHỮNG NGÀNH HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU
Bình quân thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hàng năm. Đồng thời cũng là nguồn cung cấp nguyên vật liệu lớn cho hoạt động sản xuất tại Việt Nam.

Mới đây, theo số liệu tổng kết của Cục Hải Quan, tổng giá trị xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc tháng 1/2020 chỉ khoảng 2,75 tỷ USD. Con số này giảm hơn 35% so với tháng 12/2019. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu từ nước bạn cũng giảm đến hơn 20%. Có thể giải thích một phần nguyên nhân sụt giảm là bởi tháng 1/2019 trùng với Tết Nguyên Đán, nhưng cũng không thể phủ nhận ảnh hưởng của Corona. Dự kiến trong tháng 2/2020, tình hình cũng không khả thi hơn bởi các cửa khẩu, hàng không và hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc gần như bị “đóng băng” để ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Khi hoạt động xuất nhập khẩu bị đình trệ bởi dịch bệnh, ngành hàng xuất khẩu bị tác động nặng nề nhất là nông sản. Theo báo cáo của bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, hoạt động tiêu thụ các sản phẩm hoa quả của bà con nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn. Mạnh mẽ nhất có thể kể đến là thanh long và dưa hấu. Sữa và thủy sản cũng là hai ngành hàng bị ảnh hưởng của Corona không nhỏ. Rất nhiều mặt hàng ứ đọng, không thể xuất ra nước ngoài được.

Trong cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải diễn ra ngày 11/2, nhiều lãnh đạo các địa phương đã có báo cáo sơ bộ về tình hình ảnh hưởng dịch bệnh. Theo đó, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp – ông Nguyễn Hữu Dũng thông tin, hiện nay địa phương có khoảng 11.000 tấn khoai lang, 6.700 tấn ớt, 1.200 tấn nhãn…bị tồn động. Còn ông Hà Lê Thanh Trung, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận hiện có 7.685 tấn thanh long chưa thể xuất khẩu, đang phải lưu kho lạnh.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến ngày 11-2, đã có 557 container nông sản đang bị ứng đọng tại các cửa khẩu ở Lào Cai, Trung Quốc, không thể xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngành dệt may cũng chịu tác động lớn do Covid-19 gây ra. Nguyên nhân là bởi nguồn nguyên liệu chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, nay bị đình trệ.

Việc này dẫn đến tác động bắt cầu, ảnh hưởng đến thị trường thứ 3. Vì nhiều sản phẩm dệt may của Việt Nam chuyên xuất khẩu sang thị trường EU, Hoa Kỳ,…Ông Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây (Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp của ông chuyển sản xuất giày vải sang Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc,… Với tình hình hiện tại, doanh nghiệp chỉ còn trữ đủ nguyên liệu tới hết tháng 3/2020. Nếu dịch bệnh không chuyển biến khả quan, Trung Quốc không mở cửa thì rất khó để tìm nguồn hàng khác bổ sung thay thế. Nguy cơ công ty phải dừng sản xuất, hơn 600 công nhân viên cũng có khả năng mất việc,…

Ông Nguyễn Bá Hoan, chánh Văn phòng Bộ Lao động – thương binh và xã hội cho biết, theo báo cáo nhanh được tổng hợp từ 30/63 tỉnh, thành, thì tới ngày 12-2, đã có 322 doanh nghiệp trong tổng số trên 180.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Số doanh nghiệp giảm quy mô, thu hẹp sản xuất lên tới 553.

Cũng theo báo cáo nhanh của Bộ Lao động – thương binh và xã hội, trong số 22/63 tỉnh/thành phố được tổng hợp, có gần 9.000 người lao động bị ảnh hưởng, trên 1.000 lao động bị mất việc bởi ảnh hưởng của Covid-19.


CÁC KỊCH BẢN THIỆT HẠI GÂY RA BỞI ẢNH HƯỞNG CỦA CORONA
Diễn biến của dịch Corona đang rất phức tạp. Theo VnExpress, tính tới ngày 15/2/2020, đã có hơn 67100 người nhiễm bệnh và 1526 người tử vong do Covid-19. Chưa ai có thể khẳng định hậu quả cuối cùng của dịch bệnh này. Nhưng theo Bộ Kế hoạch – đầu tư, dự đoán ảnh hưởng của Corona đối với xuất nhập khẩu theo hai kịch bản:

Thứ nhất, nếu được khống chế tốt và Covid kết thúc vào cuối quí I/2020 (cuối tháng 3/2020), kim ngạch xuất khẩu của nước ta ước tính đạt 53,9 tỷ USD vào quý I, so với năm trước giảm 8,3%. Các mặt hàng nông sản, lâm sản xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 10,4%, đối với thủy sản là 11,4%.

Đối với nhập khẩu, tổng kim ngạch đạt 55,5 tỷ USD, chỉ giảm 3,2% so với năm 2019. Nhưng riêng thị trường Trung Quốc sẽ giảm 13,6% với kim ngạch 14 tỷ. Cụ thể dự đoán nhập khẩu thiết bị máy móc thiết bị, phụ tùng từ Trung Quốc giảm 11%, các loại nguyên, nhiên, vật liệu giảm 16%, và hàng tiêu dùng giảm khoảng 17%.

Thứ hai, kịch bản này ảm đạm hơn khi dịch kéo dài tới cuối quí II/2020 (tức tháng 6/2020). Theo đó, ước tính Quý II kim ngạch xuất khẩu cả nước khoảng 58,5 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 8,1%. Riêng đối với thị trường Trung chỉ đạt 7,5 tỷ USD, giảm 17,3%. Theo đó hàng nông sản, lâm sản giảm trên 19,1%, đối với hàng hàng thủy sản mức giảm trên 21,9%.

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu Quý II ước tính đạt 61,0 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước giảm 3,1%. Tại thị trường Trung Quốc, kim ngạch chỉ đạt 16 tỷ USD, mức giảm khoảng 17,6%. Theo đó, phụ tùng, thiết bị máy móc nhập khẩu giảm 10%, giảm 24% đối với nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu. Và đối với hàng tiêu dùng, mức giảm lên tới khoảng 27%.

Như vậy có thể thấy, dịch bệnh lần này do virus corona – Covid 19 gây ra có tác động rất mạnh mẽ tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Không chỉ trước mắt mà còn có thể kéo dài trong thời gian tới bởi sự đảo lộn cung – cầu cũng như thiếu hụt nhân sự, nguyên vật liệu.
 

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.
Top