Tổng quan về cơ hội và thách thức khi Việt nam tham gia vào Hiệp định CPTPP

Trang Vũ

Member
Bài viết
21
Reaction score
27
Sắp tới Hiệp định TPP-11 hay còn gọi là CPTPP dự kiến sẽ có hiệu lực từ giữa tháng 1/2019. Vậy nên, hôm nay mình sẽ tổng hợp qua một chút về Hiệp định CPTPP ; cơ hội và thách thức của Việt nam khi tham gia Hiệp định này nhằm giúp mọi người có cái nhìn tổng quan hơn.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP), tên khác: TPP11 là một Hiệp định về nguyên tắc thương mại giữa Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singaporevà Việt Nam.

Tham gia CPTPP, cơ hội của Việt nam là những gì?

CPTTP tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư qua biên giới, nên tạo điều kiện để Việt Nam thu hút vốn đầu tư từ các nước thành viên khác vì thương mại gắn liền với đầu tư, nhất là với các nước mà Việt Nam chưa có thỏa thuận FTA như Canada, Mexico. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn tìm kiếm thị trường đầu tư tại các nước thành viên khác.

Việc ký kết Hiệp định CPTPP như một chất xúc tác mạnh cho quá trình cải cách tự thân mà Việt Nam cần có.

Cũng như mọi hiệp định khác, Hiệp định CPTPP có những tác động tích cực trên tổng thể đối với đầu tư, thương mại của Việt Nam. Mặc dù không có Mỹ thì mức độ tác động có thể nhỏ hơn nhưng vẫn rất ý nghĩa, nhất là khi Việt Nam vẫn là một nước được hưởng lợi rất đáng kể từ hiệp định này.

Ký kết Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam tiếp cận thị trường một cách thuận lợi hơn, nó cũng là chất xúc tác cho cải cách thể chế, qua đó giúp môi trường kinh doanh được cải thiện, giảm thiểu chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thương mại, đầu tư mà nó còn tạo ra sân chơi rộng hơn cho nhiều lĩnh vực, xuất khẩu những ngành hàng Việt Nam có lợi thế, tiêu dùng, logistics, phát triển các cụm công nghiệp liên ngành, dịch vụ hỗ trợ, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực ngành nghề mới như IT, công nghệ xanh…

Theo nhận định của các chuyên gia, trong số các lĩnh vực thì dệt may và da giày sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP. Hiệp định này cũng giúp chúng ta giảm 0,6 triệu người nghèo vào năm 2030. Hiện hàng Việt Nam xuất sang các nước CPTPP chịu thuế suất trung bình 1,7%, nếu mức này về 0% thì lợi ích Việt Nam có được từ hiệp định này tương đối rõ, cho dù CPTPP không có Mỹ. Chưa kể, Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, lợi ích trực tiếp mà CPTPP đem lại giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,1% vào năm 2030, còn gián tiếp là 3,6%. Ngoài ra, CPTPP cũng mang lại lợi ích trước các rào cản phi thuế quan.

Vậy, đâu là thách thức mà Việt nam cần đối mặt?

Hiện luật pháp Việt Nam đã có các quy định khá phù hợp về đầu tư. Tuy vậy, cần lưu ý đến các vấn đề mà CPTPP đòi hỏi cao hơn về đầu tư:
1) công khai, minh bạch và dễ dự đoán của hệ thống luật pháp và sự thay đổi của pháp luật, đó là một nhược điểm của luật pháp Việt Nam;​
2) đòi hỏi cao về quyền sở hữu trí tuệ, mặc dù đã “đóng băng” một số điều khoản liên quan như đối với dược phẩm;​
3) lao động và quyền của người lao động, bao gồm quyền thành lập công đoàn độc lập.​
Do vậy, cần phải điều chỉnh, sửa đổi một số điều trong luật pháp có liên quan đến đầu tư.

Để thu hút đầu tư nước ngoài, cần tiếp cận quy định của chương đầu tư trong CPTPP để điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết trong hệ thống pháp luật Việt Nam có liên quan. Đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cấu trúc lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu năng; tinh giản biên chế, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức, xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, có trình độ ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp để thực hiện “Chính phủ kiến tạo, hành động” như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh.

Thách thức lớn nhất với chúng ta chính là cải cách thể chế. Đối với Chính phủ thì phải cải cách luật chơi, thông tin, giáo dục, đào tạo… Còn doanh nghiệp thì phải hiểu, phải biết kết nối để tận dụng lợi thế và cần hiểu không chỉ luật chơi quốc tế mà còn phải hiểu về các thay đổi chính sách tương ứng, nắm bắt thông tin, nâng cao năng lực, quản trị kinh doanh, học hỏi và cả năng lực pháp lý để tự bảo vệ mình.

Để chuẩn bị tham gia CPTPP, Việt Nam rất cần việc cải cách mạnh mẽ từ bên trong, vì đây là thời điểm rất cần cho yêu cầu tự thân của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định tự do thương mại chất lượng cao. Do đó, việc kết hợp hài hòa giữa cải cách bên trong, đặc biệt là cải cách thể chế với cam kết hội nhập là điều cực kỳ quan trọng, là ưu tiên số một.
 
Sửa lần cuối:

Thành viên trực tuyến

Top