Chia sẻ Cảnh báo thủ đoạn giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế để lừa đảo

Bài viết
2
Reaction score
0
Các đối tượng người nước ngoài câu kết với đối tượng người Việt Nam giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế… yêu cầu bị hại phải nộp tiền để nhận quà tặng.

Đó là thông tin được Công an TPHCM cảnh báo ngày 22/12 sau khi ghi nhận nhiều trường hợp người dân bị các đối tượng giả danh là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan, Thuế và lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cảnh báo thủ đoạn giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế để lừa đảo

Theo Công an TPHCM, các đối tượng lừa đảo là người nước ngoài giả danh kỹ sư dầu khí, bác sỹ, doanh nhân thành đạt góa vợ… lên các trang mạng xã hội để làm quen, kết bạn với bị hại, chủ yếu là nữ.

Sau đó, đối tượng thường xuyên nhắn tin tâm sự, vờ yêu đương rồi nói muốn gửi tiền, quà cho bị hại.

Các đối tượng này câu kết với đối tượng người Việt Nam giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế… yêu cầu bị hại phải nộp tiền để nhận quà tặng với các lý do khác nhau như: cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt… vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt.

Hầu hết tài khoản nhận tiền của các đối tượng lừa đảo đều được thu mua qua mạng, thuê tài khoản hoặc sử dụng giấy tờ giả để mở tài khoản.

Để phòng ngừa, Công an TPHCM khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân cho các đối tượng quen biết qua mạng xã hội khi chưa gặp gỡ trực tiếp, không rõ nhân thân, lai lịch, nhất là các đối tượng luôn hứa hẹn hôn nhân, cho tài sản có giá trị.

Tuyệt đối không chuyển, nộp tiền cho các đối tượng tự xưng là nhân viên sân bay, hải quan, thuế… để nhận quà tặng.

Ngoài tình trạng trên, trong thời gian qua, công an TPHCM ghi nhận nhiều trường hợp giả danh là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện thoại thông báo tài khoản của nạn nhân có liên quan đến tội phạm.

Các đối tượng hù dọa, yêu cầu chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản của cơ quan Công an (thực chất là tài khoản của đối tượng lừa đảo) để kiểm tra, xác minh nguồn gốc số tiền và sau đó chiếm đoạt số tiền này.

Hoặc sau khi hù dọa, đối tượng gửi đến nạn nhân đường dẫn phần mềm gián điệp có tên “Bộ Công an” và yêu cầu cài đặt app ứng dụng Bộ Công an trên thiết bị điện tử (điện thoại di động, máy tính bảng).

Sau khi cài đặt, app ứng dụng trên sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến, user, password, số điện thoại, mã OTP xác thực tài khoản. Ngay khi nạn nhân cung cấp những thông tin trên, chúng lập tức chiếm quyền sử dụng tài khoản và thực hiện lệnh chuyển hết số tiền đến các tài khoản ngân hàng khác để chiếm đoạt.

Chia sẻ cách phòng ngừa thủ đoạn trên, Công an TPHCM cho biết, khi nhận được những cuộc điện thoại tự xưng là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... người dân bình tĩnh, dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ đến Công an địa phương nơi mình cư trú hoặc yêu cầu liên hệ với Cảnh sát khu vực;

Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn như bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại…; không cung cấp số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai; tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất kỳ hình thức nào (nếu đã chuyển phải báo ngân hàng phong tỏa ngay số tiền đã chuyển); thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để xử lý.

Hy vọng thông tin được chia sẻ tại Diễn đàn xuất nhập khẩu sẽ hữu ích tới bạn đọc.

Nguồn: HQ online

>>>>Xem nhiều: Review học xuất nhập khẩu online ở đâu tốt?
 

Thành viên trực tuyến

Top