Thảo luận Vướng mắc trong xử lý vi phạm hành chính

Lê Phong Anh

New member
Bài viết
1
Reaction score
0
Để các cục hải quan tỉnh, thành phố có cơ sở hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định khi tham gia làm thủ tục hải quan đối với các loại hình xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã có nhiều hướng dẫn nhằm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai công tác xử lý vi phạm hành chính.

Giải quyết vướng mắc trong xử lý vi phạm hành chính

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, các văn bản mới quy định về xử phạt vi phạm hành chính nói chung và trong lĩnh vực hải quan nói riêng đã có một số thay đổi về nội dung và hình thức thực hiện. Công tác xử phạt vi phạm hành chính là hoạt động nghiệp vụ thường xuyên trong ngành Hải quan, hàng năm được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các cơ quan có thẩm quyền khác kiểm tra việc thực hiện để phát hiện các hạn chế còn tồn tại, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong ngành Hải quan. Đồng thời, Tổng cục Hải quan thường xuyên yêu cầu các đơn vị kiểm tra, chấn chỉnh các hạn chế trong công tác này tại đơn vị, tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số hạn chế, tồn tại thể hiện ở một số vụ việc cụ thể.

hai-quan---.jpg


Trước vướng mắc của Cục Hải quan Đà Nẵng liên quan đến việc xử lý đối với các lô hàng nhập khẩu là quà biếu, quà tặng xin tái xuất, Tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn chi tiết. Cụ thể, tại điểm b khoản 1 Điều 4 Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 11/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải. Theo đó, các loại xe ô tô nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 từ ngày 1/1/2022.

Do vậy, để xử lý vướng mắc của Cục Hải quan Đà Nẵng, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp xác định các lô hàng ô tô nhập khẩu không đủ tiêu chuẩn khí thải theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg, cơ quan Hải quan căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 18 Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan để xem xét xử lý theo thẩm quyền.

Liên quan đến vướng mắc trong thi hành biện pháp khắc phục hậu quả mà Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đang gặp phải trong quá trình thực hiện công tác nghiệp vụ, Tổng cục Hải quan cho rằng, tại khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Điều 1, Điều 33 Nghị định 128/2020/NĐ-CP; trường hợp đã căn cứ quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP để xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Nếu hết thời hạn thực hiện ghi trong quyết định xử phạt mà tổ chức vi phạm không thực hiện thì xem xét áp dụng quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Luật Xử lý vi phạm hành chính để giải quyết dứt điểm hồ sơ vụ việc theo đúng quy định pháp luật.

Trả lời vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp khai thiếu thuế giá trị gia tăng của mặt hàng nguyên liệu thuốc bắc mà Cục Hải quan Hà Nam Ninh đang xử lý, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp doanh nghiệp khai báo hàng hóa nhập khẩu là dược liệu đã được Bộ Y tế có công văn xác nhận, đồng ý nhập khẩu nhưng không khai thuế giá trị gia tăng là hành vi có lỗi. Theo đó, hành vi vi phạm này đã được quy định rõ tại điểm 1 khoản 2 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng nên cần xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan Hà Nam Ninh căn cứ hồ sơ thực tế vụ việc, quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan có hiệu lực vào thời điểm mở tờ khai để thực hiện theo quy định.

Cục Hải quan Quảng Ngãi cũng đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn liên quan đến miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế của Công ty TNHH Mensa Industries. Để Cục Hải quan Quảng Ngãi nắm rõ các quy định, Tổng cục Hải quan cho biết tại khoản 27 Điều 3, Điều 140 Luật Quản lý thuế năm 2019; Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020; Điều 34 Nghị định 128/2020/NĐ-CP và đối chiếu với trường hợp doanh nghiệp đã tự ý đưa hàng hóa ra kho thuê ngoài phạm vi kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan không đúng quy định và sau đó bị phát hiện, xử lý, thực hiện ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, hồ sơ đề nghị miễn không đủ thông tin để xác định về chủng loại, số lượng hàng hóa, máy móc, thiết bị đã thiệt hại là hàng hóa mà doanh nghiệp đã nhập khẩu trước đó. Do đó, Tổng cục Hải quan cho rằng, việc doanh nghiệp đề nghị miễn tiền phạt là không đủ cơ sở để xem xét giải quyết.

Còn đối với vướng mắc của Cục Hải quan Tây Ninh liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính về thuế, Tổng cục Hải quan cho rằng, căn cứ theo quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, khoản 3 Điều 6 Nghị định 128/2020/NĐ-CP thì trường hợp vướng mắc của đơn vị không thuộc trường hợp được xác định là thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền liên quan để áp dụng hình thức không xử phạt vi phạm hành chính.

Hay đối với vướng mắc xử lý vụ việc tại cửa khẩu Tân Thanh do Cục Hải quan Lạng Sơn đang triển khai thực hiện, Tổng cục Hải quan cho rằng, Cục Hải quan Lạng Sơn cần căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Hải quan và hồ sơ vụ việc cụ thể xác định thời điểm hàng hóa chịu sự giám sát hải quan để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm của vụ việc. Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Cục Hải quan Lạng Sơn nghiên cứu, chuyển hồ sơ, tài liệu có liên quan cho cơ quan Công an và các cơ quan liên quan để điều tra vụ việc, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức lợi dụng tình trạng hàng hóa bị ách tắc để “mua, bán, đổi lốt” hàng hóa xuất khẩu.

Thời gian tới, để công tác xử lý vi phạm hành chính trong toàn Ngành đạt kết quả cao, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị nghiên cứu kỹ các văn bản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan để thực hiện theo đúng quy định. Đặc biệt cần lưu ý các điểm mới và nội dung thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường từ kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, chấn chỉnh, xử lý, khắc phục kịp thời các vi phạm (nếu có).

Mới đây nhất, nhằm khắc phục những hạn chế trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát các vụ việc phát sinh tại đơn vị để xác định các trường hợp đã ra quyết định xử phạt, quyết định áp dụng hình thức phạt bổ sung, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhưng đã quá thời hạn quy định mà quyết định chưa được thực hiện và đơn vị chưa thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành các quyết định này.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trên cơ sở kết quả rà soát, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành các quyết định này; xác định trách nhiệm theo phân cấp quản lý công chức và các quy định hiện hành đối với trường hợp công chức Hải quan có vi phạm trong quá trình theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành các quyết định.

Nguồn: Báo Hải quan

Hy vọng thông tin được chia sẻ tại Diễn đàn xuất nhập khẩu sẽ hữu ích tới bạn đọc.

>>>>Xem nhiều: Review học xuất nhập khẩu online ở đâu tốt?
 

Thành viên trực tuyến

Top